Peel da là hình thức làm đẹp mới nổi gần đây với khả năng trị mụn, mờ thâm và làm mịn da. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi bạn phải có đủ kiến thức các bước peel da và phục hồi đúng cách. Ngay tại bài viết dưới đây, Rena sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết để thực hiện quy trình dưỡng da thần thánh này.
Peel da tại nhà là gì?
Peel da tại nhà là hình thức sử dụng các hợp chất hóa học (được cấp phép) nhằm tẩy tế bào chết cho da. Đồng thời, peel còn giúp thúc đẩy quá trình tái tạo da mới, hỗ trợ giải quyết được các vấn đề về mụn, thâm, da sần sùi hay tăng sắc tố…
So với những phương pháp tẩy da chết thông thường, thì peel da với nồng độ axit cao, pH thấp có khả năng tác động sâu và mạnh hơn. Từ đó hiệu quả cũng sẽ nhanh chóng và rõ rệt hơn.
Peel da có tác dụng gì?
Phương pháp peel da có thể đem lại rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với làn da:
- Giải quyết nhiều vấn đề về da như trị mụn, cải thiện vùng da thâm nám, tăng sắc tố.
- Trẻ hóa làn da, làm mờ các nếp nhăn và đẩy lùi quá trình lão hóa.
- Làm sạch đồng thời hỗ trợ se khít lỗ chân lông.
- Cải thiện tình trạng da sần sùi, khô ráp, sẹo rỗ.
- Nâng tone da, dưỡng da trắng sáng, đều màu, mịn màng và tươi trẻ hơn.
Các cấp độ của peel da
Peel da hóa học thường được chia làm 3 cấp độ dựa trên khả năng hoạt động nông, sâu của hoạt chất peel.
Peel nông
Đây là cấp độ peel nhẹ nhất vì chỉ có thể lấy đi lớp tế bào chết ở lớp trên cùng của da. Dạng peel này giúp tái tạo lớp da mới làm mịn da, cải thiện tình trạng da không đều màu, sẫm màu hay bị tổn thương nhẹ bởi ánh nắng.
Chu trình bong và tái tạo da khi peel nông sẽ kết thúc sau khoảng 7 - 10 ngày. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần peel ít nhất là 2 - 3 tuần, còn tùy thuộc vào khả năng phục hồi của da.
Peel trung bình
Peel trung bình sẽ tác động đến lớp bì bên dưới, tức là ở lớp da thứ 2. Nhờ vậy mà chúng có thể cải thiện được những vết thâm, nám, vùng da sần sùi và kể cả những vết nhăn mờ li ti.
Quá trình này có thời gian phục hồi dài hơn một chút so với peel nông, khoảng hơn 2 tuần. Bạn có thể peel trung bình với tần suất một tháng một lần, tác dụng của peel sẽ duy trì được từ 6 - 12 tháng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện các bước peel da, bạn sẽ có cảm giác hơi bỏng rát nhẹ.
Peel sâu
Đây là dạng peel sử dụng hóa chất mạnh để tác động cùng lúc lên nhiều lớp da nên sẽ gây ra cảm giác bỏng rát mạnh. Do đó, quá trình này thường đòi hỏi phải có sự góp mặt của thuốc gây tê và thuốc an thần.
Phương pháp peel sâu sẽ cải thiện được nhiều vấn đề về da hơn, cụ thể như tổn thương nặng bởi ánh nắng mặt trời, nám, tàn nhang hay thậm chí là cả những nếp nhăn sâu. Và tất nhiên, thời gian để da phục hồi cũng như khoảng cách giữa các lần peel sâu cũng sẽ lâu hơn.
Các bước peel da tại nhà
Để đảm bảo da không bị kích ứng với hoạt chất peel, hãy thoa một lượng nhỏ lên vùng da cằm trước. Sau đó, hãy theo dõi da từ 24 - 48 tiếng. Nếu thấy không có hiện tượng kích ứng nào thì bạn có thể yên tâm và thực hiện peel da.
Các bước peel da tại nhà bao gồm:
- Làm sạch da với tẩy trang và sữa rửa mặt.
- Dùng bông hoặc khăn sạch để thấm khô da mặt.
- Thoa một lớp hoạt chất peel lên da, lưu ý tránh những vùng da nhạy cảm như quanh mắt, khóe mũi, quanh môi.
- Chờ cho sản phẩm thẩm thấu theo như hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Làm sạch mặt (nếu có) và tiếp tục các bước chăm sóc da theo đúng hướng dẫn.
Hướng dẫn chăm sóc da sau peel
Sau khi thực hiện các bước peel da thì phục hồi là yếu tố rất quan trọng. Do đó, hãy lưu ý những điều dưới đây để có được làn da đẹp như ý muốn:
- Hạn chế trang điểm sau khi peel để giữ cho lỗ chân lông thông thoáng và hạn chế tình trạng da bị kích ứng.
- Da đang trong quá trình tái tạo sẽ rất yếu và nhạy cảm, do đó cần phải tránh nắng đồng thời thoa kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da.
- Sử dụng những sản phẩm dưỡng có khả năng phục hồi tốt.
- Uống nhiều nước để da đủ ẩm và khỏe từ bên trong.
- Khi tới giai đoạn bong tróc, tuyệt tối không được dùng tay để gỡ mà phải để da bong tự nhiên.
Những trường hợp không được peel da
Peel da là phương pháp làm đẹp rất hiệu quả nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Nếu bạn thuộc một trong những trường hợp dưới đây, bạn không nên thực hiện quá trình này:
- Da đang có vết thương hở, bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm.
- Người đang sử dụng Isotretinoin hoặc điều trị bằng ánh sáng trong thời gian 6 tháng trước khi peel.
- Người bị bệnh vảy nến hoặc chàm da.
- Da có sẹo xấu hay sẹo lồi thì không nên peel trung bình hoặc peel sâu vì sẽ khiến tình trạng sẹo trở nên tồi tệ hơn.
Vừa rồi là các bước peel da cũng như những thông tin bạn cần nắm rõ trước khi muốn tự peel da tại nhà. Peel là một phương pháp làm đẹp hiệu quả nhưng hãy đảm bảo rằng mình có thể peel và chăm sóc da đúng cách nhé.